Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Hỏi tư vấn về thỏa thuận phân chia tài sản có yếu tố nước ngoài

Hỏi tư vấn về thỏa thuận phân chia tài sản có yếu tố nước ngoài

Cập nhật cách đây khoảng 17 tiếng | Số lượt đọc: 63
Xin chào Luật Sư, Cha mẹ tôi sau khi bán nhà có làm bản Phân Chia Tài Sản (tạm gọi PCTS), trong bản PCTS này chỉ ghi tên con ruột (không có ghi tên con rể/dâu) là những người được thừa hưởng tài sản từ việc bán nhà; bản PCTS được ký trước mặt luật sư; cha mẹ tôi vẫn còn sống.

Bài viết cùng chủ đề

  • Người chồng tự ý định đoạt tài sản chung của vợ chồng có được không?
  • Luật sư tư vấn về hiệu lực của hợp đồng cho tặng tài sản
  • Xác định và phân chia tài sản chung vợ chồng
Nội dung tư vấn:

Xin chào Luật Sư, Cha mẹ tôi sau khi bán nhà có làm bản Phân Chia Tài Sản (tạm gọi PCTS), trong bản PCTS này chỉ ghi tên con ruột (không có ghi tên con rể/dâu) là những người được thừa hưởng tài sản từ việc bán nhà; bản PCTS được ký trước mặt luật sư; cha mẹ tôi vẫn còn sống. Tôi có các câu hỏi sau:

 1. Đối với các người con đã có gia đình trước khi có bản PCTS thì tài sản được thừa hưởng từ cha mẹ ruột theo bản PCTS này được tính là tài sản chung của hai vợ chồng người con hay tài sản riêng của người con ruột?

 2. Nếu người con đã có gia đình trước khi có bản PCTS (và người này đang sống tại nước ngoài) muốn từ chối nhận tài sản theo bản PCTS thì phải làm sao?

3. Hoặc nếu người này muốn ủy quyền số tài sản (mà người này thừa hưởng theo bản PCTS) lại cho một trong số các anh/chị/em ruột tại Việt Nam thì phải làm sao?

4. Trong cả hai trường hợp 2 và 3, người này có quyền tự đứng tên trên các giấy tờ này mà không cần phải có tên vợ/chồng được không?

Tôi xin nhờ Luật sư tư vấn giúp giùm. Tôi xin cám ơn và kính chào.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Câu 1:

Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, cha mẹ bạn có làm bản PCTS chỉ ghi tên con ruột là những người được hưởng tài sản từ việc bán nhà. Những người con ruột là những người được tặng cho riêng tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, tài sản này được coi là tài sản riêng của người con ruột.

Câu 2:

Theo thông tin bạn cung cấp thì người con này đang sinh sống tại nước ngoài muốn từ chối nhận tài sản theo bản PCTS. Do đó, trường hợp của bạn thuộc vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.


Điều 766 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về quyền sở hữu tài sản có yếu tố nước ngoài như sau:

“1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trử trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều này”.

Pháp luật Việt Nam quy định việc xác lập quyền sở hữu tài sản trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo nguyên tắc luật nơi có tài sản. Theo đó, pháp luật được áp dụng trong trường hợp của bạn là pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “ Hợp đồng tặng cho là sự thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Như vậy, trong hợp đồng tặng cho tài sản, một bên ( bên tặng cho) trao cho bên kia (bên được tặng cho) một khoản lợi ích vật chất ( tài sản tặng cho) mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình một lợi ích vật chất khác. Người nhận tài sản được tặng cho không phải trả cho bên đã tặng cho một khoản tiền hay một lợi ích vật chất nào.


Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế. Có nghĩa là dù hai bên đã có sự thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng cho, điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tiền hoặc tài sản cho bên được tặng cho, thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định về việc từ chối nhận tài sản được tặng cho. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, người con đang sinh sống ở nước ngoài có thể lập văn bản từ chối nhận tài sản. Sau đó, gửi văn bản từ chối này về Việt Nam cho những người được tặng cho tài sản còn lại. Việc lập văn bản từ chối nhận tài sản này có thể được tiến hành tại Việt Nam hoặc cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài. Văn bản từ chối này cần có công chứng theo quy định của pháp luật.

Câu 3:

Vì cha mẹ bạn đã làm thủ tục tặng cho tài sản nên nếu người con đang định cư ở nước ngoài không muốn nhận số tài sản này thì có thể làm hợp đồng tặng cho tài sản cho các anh, chị, em ở Việt Nam chứ không thể làm hợp đồng ủy quyền tài sản.

Điều 581 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

“Điều 581. Hợp đồng uỷ quyền

Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Như vậy, nếu như người con định cư ở nước ngoài chỉ làm hợp đồng ủy quyền thì người được ủy quyền tại Việt Nam chỉ có thể thay mặt người ủy quyền làm thủ tục định đoạt tài sản được tặng cho thay cho mình. Việc ủy quyền này có thể được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước mà người đó đang sinh sống, như Đại sứ quán, Lãnh sự quán.

Việc tặng cho tài sản sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng tặng cho tài sản phải được công chứng tại Văn phòng công chứng và có chữ ký của cả hai bên.

Câu 4:

Khoản 1 Điều 121 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014 có quy định:

Điều 121. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
 
Trường hợp người con đang định cư ở nước ngoài đã kết hôn được tặng cho riêng tài sản từ cha mẹ sinh sống ở Việt Nam thì tài sản này sẽ là tài sản được tặng cho riêng theo quy định tại Khoản 1 Điều 43: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Như vậy, vì là tài sản được tặng cho riêng nên trong trường hợp nêu trên người này có thể tự mình đứng tên trong các giấy tờ mà không cần có tên của vơ hoặc chồng.